Sự nghiệp chính trị Bạc Hy Lai

Trong những năm 1980, gia đình Bạc giành lại ảnh hưởng chính trị. Bạc Nhất Ba đã đảm nhiệm thành công nhiệm kỳ Phó thủ tướng và phó chủ tịch Ban cố vấn trung ương. Bạc Nhất Ba được biết đến như một trong "bát nguyên lão" của Đảng cộng sản Trung Quốc và có công trong việc thực thi cải cách thị trường những năm 1980. Bạc Nhất Ba giữ vị trí là một nhân vật quyền thế trong Đảng cho đến khi qua đời vào năm 2007 [3] và có ảnh hưởng trong việc định hình sự nghiệp của con trai mình [10].

Sau khi tốt nghiệp đại học, Bạc Hy Lai được bổ nhiệm đến Trung Nam Hải [9] – Trụ sở của Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc – nơi ông ta làm việc với phòng nghiên cứu tại Văn phòng Quốc vụ viện và Chánh văn phòng Trung ương [1]. Ông sớm được thuyên chuyển về các tỉnh và năm 1984 được chỉ định làm phó bí thư quận Kim Châu (Đại Liên, Liêu Ninh) [1][9]. Trong một cuộc phỏng vấn với Nhân dân Nhật Báo, Bạc nói rằng họ của mình đã tạo ra một số chướng ngại cho sự nghiệp. "Trong một thời gian dài, người ta đề phòng tôi", ông nói [10]. Bạc sau đó trở thành phó bí thư và bí thư Khu phát triển kinh tế và kỹ thuật Đại Liên và bí thư quận Kim Châu [1].

Thăng tiến lần nữa trong Đảng, ông ta trở thành thành viên của ủy ban nhân dân thành phố Đại Liên, cơ quan có quyền quyết định cao nhất của thành phố, và trở thành phó thị trưởng Đại Liên năm 1990 [1]. Năm 1993, Bạc trở thành phó bí thư đảng và thị trưởng thành phố Đại Liên và giữ chức vụ này cho đến năm 2000.

Năm 2001, một vụ hối lộ liên quan đến nguyên Tỉnh trưởng Chính phủ Nhân dân tỉnh Liêu Ninh là Trương Quốc Quang đã tạo cơ hội cho Bạc thăng tiến [11]. Trước đại hội Đảng lần thứ 15, Bạc Nhất Ba và Bạc Hy Lai đã hỗ trợ Giang Trạch Dân loại bỏ đối thủ chính trị Kiều Thạch. Gia đình họ Bạc còn ủng hộ chiến dịch Tam Giảng của Giang vào năm 1997. Chính sự ủng hộ vững vàng này được xem là đã giúp Bạc lấp chỗ trống chức chủ tịch tỉnh Liêu Ninh. Bạc đảm nhận chức quyền Tỉnh trưởng Chính phủ Nhân dân vào năm 2001 sau vụ sa thải và bắt giữ Trương Quốc Quang [9] và chính thức trở thành Tỉnh trưởng Chính phủ Nhân dân tỉnh Liêu Ninh vào năm 2003 [12]. Trong cương vị Tỉnh trưởng Chính phủ Nhân dân, Bạc đã giành được quyền thành viên của Ủy ban Trung ương Đảng [1].

Khi Hồ Cẩm Đào kế vị Giang Trạch Dân làm tổng bí thư vào cuối năm 2002, sự nghiệp của Bạc với cương vị là một quan chức địa phương đã chấm hết với việc được bổ nhiệm làm Bộ trưởng bộ Thương mại trong Chính phủ của Ôn Gia Bảo để thay thế Lã Phúc Nguyên. Bạc còn kiêm giữ chức ủy viên Ủy ban Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 16. Tại đại hội Đảng lần thứ 17 vào tháng 10 năm 2007, Bạc giành được một ghế trong Bộ chính trị, hội đồng tối cao lãnh đạo Trung Quốc. Bạc được nhấc khỏi ghế Bộ trưởng thương mại và tiếp quản vị trí Bí thư thành phố Trùng Khánh.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bạc Hy Lai http://www.smh.com.au/world/bo-intrigue-deepens-ov... http://www.theaustralian.com.au/news/world/british... http://www2.macleans.ca/2012/05/03/the-china-crisi... http://www.stnn.cc/ed_china/200811/t20081126_91260... http://www.businessweek.com/news/2012-02-15/wang-m... http://www.chinavitae.com/biography/72 http://www.chinavitae.com/biography/Bo_Xilai/caree... http://www.csmonitor.com/World/Asia-Pacific/2012/0... http://china.dwnews.com/news/2012-03-15/58656264.h... http://china.dwnews.com/news/2012-03-15/58656289.h...